Tiềm năng du lịch của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế

thumbnail

Ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tốt trong năm 2017 vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và những tiềm năng du lịch chưa được khai phá.

Tốc độ tăng trưởng ngành du lịch

Các con số về tốc độ tăng trưởng ngành du lịch (số lượng khách quốc tế, tổng thu từ du lịch, đóng góp của du lịch trong tổng GDP…) những năm vừa qua thể hiện những bước tiến khá khả quan.

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã đón tiếp khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, là con số kỷ lục chưa từng có. Lượng khách du lịch nội địa cũng vào khoảng 74 triệu lượt. Tổng thu nhập từ ngành du lịch ước tính khoảng 515.000 tỷ đồng.

Dự kiến những con số này trong năm 2018 sẽ còn không ngừng tăng.

Cải thiện chất lượng, dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch

Ngành du lịch Việt Nam những năm qua thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài và trong nước nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng và phát triển chất lượng, dịch vụ phục vụ du khách.

Bên cạnh các nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống tầm trung do người dân địa phương mở, hàng trăm khách sạn, khu resort cao cấp đã được xây dựng bởi những tập đoàn lớn như FLC, VinGroup, Mường Thanh… Điều này tạo nên những thay đổi bước đầu trong bộ mặt cảnh quan du lịch nước ta, thu hút thêm nhiều du khách tới nghỉ dưỡng theo chuẩn 4, 5 sao.

Hệ thống hàng không và đường bộ được nâng cấp, kết nối các điểm đến dễ dàng hơn.

Hình ảnh có liên quan

Chất lượng du lịch ngày càng được nâng cao

Hình thành, phát triển các điểm đến du lịch mới

Tiềm năng du lịch ở Việt Nam rất nhiều và còn chưa được khai phá hết. Các địa điểm du lịch mới ở Quảng Bình, Quảng Ninh hay Thanh Hóa được đưa vào khai thác đã thu hút thêm những khách du lịch muốn trải nghiệm những nét hoang sơ của thiên nhiên Việt Nam.

Các loại hình văn hóa phi vật thể cũng được các nhà đầu tư du lịch chú trọng hơn và phổ biến tới du khách quốc tế như một phần trong bản sắc Việt.

Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu

Bên cạnh những tiềm năng trên, ngành du lịch vẫn còn phải khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và những lỗ hổng trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Rất nhiều thông tin về người Việt “chặt chém” tiền, lừa đảo, trộm đồ… của khách du lịch khiến hình ảnh Việt Nam thân thiện, hiếu khách bị xấu dần trong mắt bạn bè quốc tế.

Không có nhiều hướng dẫn viên có trình độ để diễn đạt hết giá trị, vẻ đẹp của Việt Nam bằng ngoại ngữ tới khách nước ngoài. Đây chính là chiếc chìa khóa quan trọng trong việc hội nhập với thế giới, nhưng chúng ta lại chưa nắm giữ được.

Kết quả hình ảnh cho Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Năng lực cạnh tranh du lịch ở mức kém

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới vào năm 2015, Việt Nam chỉ đứng thứ 7 trong khu vực ASEAN và thứ 75 trên thế giới.

Những tiêu chí đánh giá bao gồm: môi trường du lịch, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa.

Do đó, rõ ràng rằng Việt Nam cần phải có những chính sách mới để thay đổi và phát triển 4 yếu tố trên, bên cạnh việc tiếp tục duy trì sự an toàn và an ninh.

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập với thế giới sau hàng loạt sự kiện như gia nhập WTO, cộng đồng kinh tế ASEAN… Đây vừa là điều kiện, vừa là thách thức đòi hỏi chúng ta phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực và bộ máy quản lý du lịch.

Tận dụng những điểm mạnh về du lịch như tài nguyên tự nhiên, nhân văn phong phú, đặc sắc, nền chính trị ổn định, an toàn… và khắc phục những hạn chế về quản lý, khai thác du lịch và dịch vụ chăm sóc khách hàng… là điều cần thiết để phát triển nền du lịch Việt Nam.

 

Back To Top